Thức uống thanh mát giải nhiệt ngày hè nóng bức

trà bí đao

Trà bí đao có hai thành phần chính để tạo nên hương vị đặc trưng đó là bí đao và thục địa. Nếu như bí đao có tác dụng làm sạch gan, giải độc, tốt cho tim, cầm máu, lợi tiểu thì ngoài ra nó còn giúp chị em đẹp da và giữ dáng… Cách làm trà bí đao rất đơn giản và có rất nhiều cách để nấu trà bí đao, ai cũng có thể tham khảo công thức và nấu tại nhà cho cả gia đình cùng thưởng thức. Cùng tìm hiểu ngay thức uống thanh mát này qua công thức mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé.

Cách nấu trà bí đao

Cách 1: trà bí đao truyền thống

trà bí đao truyền thống

Nguyên liệu

Bí đao già 1,5kg
Thục địa 20g
La hán 1 quả
Mía 4 đoạn dài 15cm
Lá dứa (lá nếp) 10 lá
Nước lạnh 4 lít
Đường phèn 60g

Cách làm

  • Bí đao bỏ ruột, rửa với nước muối pha loãng.
  • Cắt khoanh thành các miếng tròn cỡ 1 cm.
  • Chẻ mía thành từng khúc nhỏ rồi đặt dưới đáy nồi.
  • Cho bí đao, muối, thục địa, la hán quả , cho 2/3 thìa cà phê muối, 3 lít nước vào.
  • Đặt lên bếp nấu ít nhất 2 giờ với lửa vừa.
  • Rửa sạch lá dứa, vò lá cho ra tinh dầu.
  • Khi bí đao mềm, bó lá dứa lại rồi thả vào nồi khoảng 5-10 phút.
  • Cho đường phèn vào, khuấy đều cho tan rồi tắt bếp, lọc qua rây.
  • Bảo quản trong tủ lạnh và thưởng thức.

Cách 2: trà bí đao lá dứa

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Bí đao 1,5kg
Lá dứa 1 bó
Đường phèn 100g
Thục địa 5g
La hán 1 quả
Nước 3 lít

Cách làm

  • Bí đao rửa sạch, bỏ ruột (giữ nguyên vỏ cũng được), cắt khúc. Lá dứa rửa sạch, cột lại thành bó. La hán quả rửa sạch, tách ra làm 6 – 8 miếng nhỏ.
  • Cho 3 lít nước vào nồi, tiếp tục cho bí đao, la hán quả và thục địa vào, nấu đến khi sôi.
  • Khi bí đã sôi thì cho lá dứa và 100 gr đường phèn vào. Đậy nắp, để lửa riu riu cho đến khi bí chín nhừ.
  • Khi bí đã chín thì tắt bếp, vớt bỏ hết xác trong nồi. Lược lại lần nữa bằng rây, rồi cho vào bình và để lạnh, dùng trong khoảng 2 ngày.

Lưu ý: Cách bảo quản trà bí đao để được lâu

  • Nước bí đao sau khi nấu nên cho vào lọ thủy tinh, để trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
  • Lọ thủy tinh nên được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng, để cho ráo nước và nắp đậy kín.
  • Nên uống trong vòng 3 đến 4 ngày khi bảo quản trong tủ lạnh để được hương vị và chất lượng tốt nhất.

Cách 3: nấu trà bí đao hạt chia

trà bí đao hạt chia

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Bí đao 2kg
Hạt chia 50g
Thục địa 5g
La hán 4 quả
Nước 2 lít

Cách làm

  • Rửa sạch bí đao bằng nước muối pha loãng, sau đó gọt vỏ và bỏ hạt để bớt vị đắng.
  • Thái bí đao thành từng miếng nhỏ, có kích thước cỡ ngón tay cái.
  • Nấu phần bí đao này cùng 2 lít nước đã chuẩn bị. Bạn lưu ý rằng, nước bí đao này sau khi nấu sẽ rất đậm vì đây là cốt bí đao. Còn khi uống trà, chúng ta sẽ cho thêm nước vào để pha loãng tùy khẩu vị.
  • Cắt đôi từng quả La Hán, còn Thục Địa thái hạt lựu. Khi nước vừa sôi, bạn cho cả hai nguyên liệu này vào.
  • Để lửa nhỏ trong vòng 1.5 – 2 giờ đồng hồ, đến khi nước có màu nâu đen như các quán nước bán là được. Trong thời gian chờ cốt bí đao được ninh, bạn ngâm hạt chia trong nước lọc khoảng 1 tiếng để hạt nở.
  • Thưởng thức với tỷ lệ cốt bí đao và nước lọc 1:3. Bên cạnh đó, bạn có thể thêm đá lạnh và hạt chia tùy ý.

Trà bí đao và công dụng trong làm đẹp

Bí đao là loại quả có vị ngọt, tính hàn. Theo nghiên cứu, cứ 100 gram bí đao chứa 0,4g protid, 2,4 gram glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C…

Thường xuyên uống nước trà bí đao hoặc ăn bí đao giúp bạn thanh nhiệt, giải độc, tránh cảm nắng, làm đẹp da. Nhưng bên cạnh đó, nước sâm bí đao còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe đáng kể như: chữa phù nề, giảm u nhọt, trị ho, cảm sốt và hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn. Đồng thời, uống sâm bí đao sẽ hỗ trợ ngăn ngừa các căn bệnh ung thư, tăng cường sức đề kháng… Trà bí đao giảm cân là một lựa chọn nếu bạn đang muốn có được một vóc dáng như ý.