Các món ăn và bài thuốc từ vị thuốc Đông trùng hạ thảo

Các món ăn và bài thuốc từ vị thuốc Đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo còn có tên gọi khác là hạ thảo đông trùng, trùng thảo… Đông trùng hạ thảo là loại nấm thuộc họ nhục toà khuẩn sống trên họ sâu bướm. Đông trùng hạ thảo nếu được sử dụng đúng cách sẽ mang lại những lợi ích rất lớn cho sức khỏe con người. Là một loại “biệt dược” quý ​​hiếm, có giá trị kinh tế cao và vô số công dụng đối với sức khỏe và sắc đẹp. Vậy đông trùng hạ thảo là gì và tại sao lại có giá đắt như vậy, có khi lên đến hàng tỷ đồng? Bài viết dưới đây của wcbison.com sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về loại thảo dược này, công dụng, các bài thuốc trị bệnh hiệu quả qua bài viết bên dưới này nhé!

Đặc điểm nhận dạng và dược tính

Đặc điểm nhận dạng và dược tính

Đặc điểm sinh thái là ấu trùng ký sinh vào mùa đông (đông trùng) nhưng phát triển thành nấm tảo (thảo) vào mùa hè năm sau. Hình dáng vị dược liệu giống như con tằm dài 3-5cm, đường kính 3-8mm; mặt ngoài màu vàng sẫm đến nâu vàng, có 20-30 vòng vân nhăn ngang; những vòng gần đầu tương đối nhỏ; đầu đỏ nâu, có 8 đôi chân, 4 đôi ở giữa tương đối rõ; chất dễ gãy vỡ, mặt gãy hơi phẳng, chất đặc màu trắng hơi vàng; có khối nấm mọc trên đầu, hình gậy, cong queo, phần trên hơi phình to. Loại hoang dã rất quý hiếm. Ngày nay nhờ công nghệ sinh học, người ta nuôi cấy nấm này và được bán rộng rãi.

Theo Đông y, trùng thảo vị ngọt, tính ấm; vào kinh phế, thận. Tác dụng bổ ích phế thận, trị suyễn khái, tráng dương khí. Chữa ho lao khái thấu (ho lâu ngày, yếu mệt), ho ra máu, nhiều mồ hôi, phòng sự suy yếu, di tinh, đau lưng nhức gối, thần kinh suy nhược (thận dương hư); các trường hợp sau xạ trị, hóa trị thiếu máu giảm hồng cầu… Liều dùng, cách dùng: 3-10g bằng cách nấu hầm, ngâm ướp.

Phân loại đông trùng hạ thảo và cách nhận biết vị thuốc này

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo nhân tạo. Do đó, bên cạnh đông trùng hạ thảo rừng thực tế trên thị trường có nhiều loại khác.

Theo nguồn gốc

Căn cứ vào nguồn gốc người ta chia thành 2 loại gồm tự nhiên và nhân tạo với sự chênh lệch rõ rệt về giá thành.

Tự nhiên: Vô cùng quý hiếm với hàm lượng dưỡng chất cao nhất, được tìm thấy ở Tây Tạng, Bhutan và một số tỉnh của Trung Quốc. Giá thành đắt đỏ dao động khoảng 1.5 – 2 tỷ đồng/kg, sản lượng khai thác một năm chưa đến 80kg.

Nhân tạo: Nuôi cấy nấm trên cơ thể ấu trùng nhộng tằm hoặc trên cơ chất như gạo lứt, ngô, đậu xanh, vỏ trứng,…và thu hoạch nấm. Giá thành đa dạng tùy chất lượng, khoảng 40 – 55 triệu đồng/kg khô.

Theo trạng thái

Gồm đông trùng hạ thảo tươi hoặc phơi sấy khô, mỗi loại có đặc điểm và cách sử dụng khác nhau.

  • Loại tươi: Khai thác chưa quá 1 tháng, được bảo quản trong nhiệt độ thấp, đặc trưng bởi mùi thơm hơi nồng của nấm. Đây là loại có hàm lượng dưỡng chất cao nhất.
  • Loại khô: Được xử lý nhiệt phân bằng cách phơi, sấy khô từ loại tươi để tiện lợi trong bảo quản và sử dụng. Có mùi tanh nồng, hàm lượng dưỡng chất đạt khoảng 95 – 98% so với loại tươi, có thể bảo quản 3 năm.

Theo hình thái

Đông trùng hạ thảo có thể ở dạng nguyên con hoặc bào chế thành các dạng chế phẩm khác nhau.
  • Nguyên con: Giữ nguyên hình dáng của con đông trùng hạ thảo gồm cả phần thân và sợi nấm. Loại này thường rất đắt, được dùng để sắc thuốc, hầm canh hoặc nhai sống.
  • Dạng bột: Được nghiền nhuyễn thành dạng bột mịn, thường dùng để nấu cháo, pha trà.
  • Dạng nước: Chiết xuất thành dạng nước, có thể kết hợp thêm nhiều thành phần khác và đóng thành chai, dùng để uống trực tiếp.
  • Dạng viên nang: Là dạng bột mịn nhưng đóng thành viên nang để dễ sử dụng và bảo quản.
  • Dạng trà túi lọc: Được đóng thành túi lọc trà, dùng để uống hàng ngày rất tiện lợi.

Các món ăn và bài thuốc từ đông trùng hạ thảo

Các món ăn và bài thuốc từ đông trùng hạ thảo

Món ăn bài thuốc

Vịt hầm trùng thảo (Đông trùng hạ thảo áp): Trùng thảo 3-5 con; vịt 1 con. Vịt làm sạch bỏ ruột, trùng thảo rửa sạch. Tất cả cho trong nồi, thêm các gia vị và nước sạch, hầm nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều bữa. Dùng thích hợp cho các bệnh nhân bị bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược, tay chân lạnh, vã mồ hôi (tự hãn) liệt dương di tinh, hen suyễn.

Óc lợn hầm trùng thảo: Trùng thảo 3g, óc lợn 1 cái cho vào nồi cách thủy, thêm ít nước, gia vị, đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Chia ăn 2 lần trong ngày khi đói. Dùng thích hợp cho người bị động kinh, suy nhược thần kinh.

Thịt gà (hoặc thịt bò, thịt lợn) hầm trùng thảo: Trùng thảo 10g, thịt gà (hoặc thịt heo hay bò) 200g thái lát hầm nhừ, thêm gia vị. Chia ăn 1-2 lần trong ngày. Dùng tốt cho người bị thiếu máu, liệt dương, di tinh.

Chim cút hầm trùng thảo: Chim cút 4 con, trùng thảo 8g. Chim cút làm sạch, ngâm đảo trong nước sôi 1 phút, vớt ra để nguội. Trùng thảo chia 4 phần, cho trong bụng chim cút, dùng chỉ khâu lại, đặt chim cút trong nồi, thêm nước luộc gà, muối tiêu, gia vị, đun nhỏ lửa hầm trong 40 phút là được. Dùng tốt cho người bị ho suyễn khó thở, đau lưng mỏi gối.

Gà hầm sơn dược trùng thảo: Thịt gà 100g, sơn dược 15g, trùng thảo 15g. Thêm nước nấu nhừ cho gia vị thành dạng canh súp. Dùng tốt cho người bị lao phổi, hen suyễn, suy nhược cơ thể.

Rượu trùng thảo (Trùng thảo tửu): Trùng thảo 15-30g, rượu trắng 500ml. Ngâm trong 7 ngày. Mỗi bữa ăn, uống 10-20ml. Ngày 2-3 lần. Dùng thích hợp cho người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ sau bệnh nặng kéo dài ngày.

Bài thuốc sắc uống từ đông trùng hạ thảo

Bài 1: Trùng thảo 10g, tục đoạn 10g, đỗ trọng 10g, đương quy 12g; thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g. Sắc uống. Dùng tốt cho người eo lưng đau mỏi, kinh nguyệt kéo dài, nhạt màu, ra ít, đầu váng mắt hoa.

Bài 2: Trùng thảo 10g, câu kỷ tử 10g, sơn thù 10g, hoài sơn 12g. Sắc uống. Chữa liệt dương, di tinh.

Kiêng kỵ: Người đang có ngoại cảm biểu chứng dùng cần thận trọng.